Bối cảnh Nghị quyết 82 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc

Tổng lý Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên Kim Nhật Thành

Chia đôi bán đảo Triều Tiên

Vào cuối Chiến tranh thế giới thứ hai, thời điểm này bán đảo Triều Tiên vẫn đang bị Đế quốc Nhật Bản chiếm đóng, sau đó bán đảo bị phe Đồng minh chia cắt dọc theo vĩ tuyến 38 Bắc.[3] Liên Xô đã chuyển lực lượng về nửa phía bắc của bán đảo, giám sát việc thành lập Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (Bắc Triều Tiên) dưới quyền Kim Nhật Thành, một nhân vật trước đây nổi tiếng nhờ những chiến công của mình trong trận chiến với quân Nhật.[4] Lực lượng Hoa Kỳ chiếm đóng miền Nam, giám sát việc thành lập Đại Hàn Dân Quốc (Hàn Quốc) dưới thời Lý Thừa Vãn, một nhà độc tài chống cộng nhiệt thành.[5] Khi căng thẳng gia tăng giữa Hoa Kỳ và Liên Xô, cả hai chính phủ trên hai miền bán đảo đều tuyên bố họ có chủ quyền đối với toàn bộ bán đảo.[4]

Ngày 14 tháng 11 năm 1947, Nghị quyết 112 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thành lập một ủy ban tạm thời để giám sát các cuộc bầu cử tự do ở Triều Tiên.[6] LHQ có ý định thống nhất Triều Tiên dưới sự lãnh đạo của một chính phủ duy nhất,[4] nhưng ủy ban của LHQ lại không thể vào được Bắc Triều Tiên. Sau khi quan sát các cuộc bầu cử ở Hàn Quốc, ngày 12 tháng 12 năm 1948, Đại Hội đồng tuyên bố trong Nghị quyết 195 rằng quốc gia này cần phải được thành lập dưới một chính phủ duy nhất càng sớm càng tốt, và các lực lượng chiếm đóng của Hoa Kỳ và Liên Xô ở đó phải rút quân.[7]

Khi áp lực gia tăng, chính phủ Bắc Triều Tiên trở nên hung hăng hơn, với các cuộc giao tranh giữa miền Bắc và miền Nam xảy ra thường xuyên hơn. Các giám sát viên quân sự của LHQ được giao nhiệm vụ theo dõi tình hình, bề ngoài là để ngăn chặn xung đột leo thang.[8] Nghị quyết 293 của Đại Hội đồng, thông qua ngày 21 tháng 10 năm 1949, công nhận chính phủ Hàn Quốc là chính quyền hợp pháp duy nhất.[6] Bắc Triều Tiên phủ nhận tính hợp pháp của các hoạt động của LHQ tại Hàn Quốc, và cho biết họ sẽ đuổi lực lượng LHQ ra khỏi đất nước.[4]

Chiến tranh bùng nổ

I felt certain that if South Korea was allowed to fall Communist leaders would be emboldened to override nations closer to our own shores. If the Communists were permitted to force their way into the Republic of Korea without opposition from the free world, no small nation would have the courage to resist threats and aggression by stronger Communist neighbors. If this was allowed to go unchallenged it would mean a Third World War, just as similar incidents had brought on the Second World War. It was clear to me that the foundations and the principles of the United Nations were at stake unless this unprovoked attack on Korea could be stopped.
(Tạm dịch: Tôi cảm thấy chắc chắn rằng nếu Hàn Quốc bị sụp đổ thì các nhà lãnh đạo Cộng sản sẽ bạo dạn hơn trong việc áp đảo các quốc gia gần bờ biển của chúng ta hơn. Nếu quân Cộng sản được phép tiến vào Hàn Quốc mà không có sự phản đối của thế giới tự do, thì không một quốc gia nhỏ nào có đủ can đảm để chống lại các mối đe dọa và xâm lăng của các nước láng giềng Cộng sản mạnh hơn. Nếu điều này được phép diễn ra mà không bị phản đối thì nó sẽ là Chiến tranh thế giới thứ ba, giống như những sự cố tương tự đã gây ra Chiến tranh thế giới thứ hai. Đối với tôi, rõ ràng, các nền tảng và nguyên tắc của Liên Hợp Quốc đang bị đe dọa, trừ khi cuộc tấn công vô cớ nhằm vào Hàn Quốc có thể được ngăn chặn.)

—Truman giải thích suy nghĩ của mình về nghị quyết.[9]

Đêm 25 tháng 6 năm 1950, 10 sư đoàn của Quân đội Nhân dân Triều Tiên phát động một cuộc xâm lược toàn diện vào Hàn Quốc. Lực lượng gồm 89.000 người di chuyển theo sáu hàng, bất ngờ tấn công Lục quân Hàn Quốc, làm các lực lượng Hàn Quốc phải rút chạy. Các nhóm Lục quân Hàn Quốc nhỏ hơn thiếu trang bị trên diện rộng và không được chuẩn bị cho chiến tranh.[10] Lực lượng Bắc Triều Tiên vượt trội về số lượng đã vượt qua các cuộc kháng cự yếu ớt của 38.000 binh sĩ Hàn Quốc ở biên giới, trước khi bắt đầu di chuyển đều đặn về phía nam.[11] Hầu hết lực lượng Hàn Quốc đã rút lui trước cuộc xâm lược.[12] Quân Bắc Triều Tiên dồn dập tiến tới thủ đô Seoul của Hàn Quốc trong vòng vài giờ, buộc chính phủ và đội quân tan rã của Hàn Quốc phải rút lui xa hơn về phía nam.[12]

Tin tức về cuộc xâm lược nhanh chóng lan truyền khắp thế giới thông qua các đại sứ và phóng viên tại Hàn Quốc. Các nhà báo ở Hoa Kỳ đã đưa tin về cuộc xâm lược trong vòng năm giờ kể từ cuộc tấn công đầu tiên, và Đại sứ Hoa Kỳ tại Hàn Quốc John J. Muccio đã gửi một bức điện tín tới Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lúc 10:26 giờ Hàn Quốc ngày 24 tháng 6.[13] Khi cuộc chiến diễn ra ngày càng căng thẳng, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Dean Acheson thông báo tin tức cho Tổng thống Truman khi ông đang nghỉ ngơi tại nhà riêng ở Missouri vào cuối tuần. Đồng thời, ông thông báo cho Tổng Thư ký LHQ Trygve Lie về tình hình chiến sự. Cuộc tấn công đặc biệt gây sửng sốt cho Truman, ông so sánh nó với cuộc tấn công Trân Châu Cảng của Nhật Bản. Còn đối với Lie, nó gợi nhớ cho ông đến cuộc xâm lược Na Uy trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Lo sợ cuộc tấn công sẽ thúc đẩy một cuộc chiến tranh chung khác giữa các cường quốc, Truman quyết tâm hành động nhanh nhất có thể để ngăn chặn xung đột leo thang.[9] Lý Thừa Vãn gặp Muccio và thông báo rằng Quân đội Hàn Quốc sẽ hết đạn trong vòng 10 ngày và sẽ không thể tự mình ngăn chặn cuộc tiến quân của Bắc Triều Tiên. Ông yêu cầu LHQ và Hoa Kỳ hỗ trợ Hàn Quốc trong cuộc xung đột.[14]

Trygve Lie triệu tập phiên họp Hội đồng Bảo an lần thứ 473 vào lúc 14 giờ ngày 25 tháng 6 tại Thành phố New York.[15] Ông bắt đầu cuộc họp với một báo cáo chi tiết từ Ủy ban Liên Hợp Quốc về Triều Tiên, giải thích tình hình cho các đại biểu và nhấn mạnh rằng LHQ phải hành động để lập lại hòa bình ở Triều Tiên.[16] Theo Ủy ban Liên Hợp Quốc về Triều Tiên, tình hình đang mang tính chất của một cuộc chiến tranh toàn diện.[6] Sau đó, nhà ngoại giao Hoa Kỳ Ernest A. Gross đưa ra báo cáo của Muccio về tình hình.[17]

Hoa Kỳ đưa ra nghị quyết nói rằng cuộc xâm lược của Bắc Triều Tiên là vi phạm hòa bình, vi phạm Chương VII của Hiến chương Liên Hợp Quốc.[15] Gross yêu cầu đại sứ Hàn Quốc tại LHQ, Chang Myon, có mặt trong cuộc họp, và điều này đã được chấp thuận. Phái đoàn Nam Tư yêu cầu cho phép một nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên tham gia, nhưng yêu cầu này không được chấp thuận. Bắc Triều Tiên không phải là thành viên của LHQ và không có đại diện tại tổ chức này. Myon đọc một tuyên bố đã chuẩn bị sẵn, gọi cuộc xâm lược là tội ác chống lại loài người. Ông nói rằng vì LHQ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thành lập Hàn Quốc nên họ có trách nhiệm giúp bảo vệ nước này trước cuộc xâm lược.[17] HĐBA đã tranh luận về nghị quyết này và có thêm các sửa đổi, bổ sung về cách diễn đạt trước khi thông qua.[15]

Đại sứ Liên Xô tại LHQ đã không có mặt tại cuộc họp của HĐBA do nước này đang tẩy chay LHQ. Điều đó có nghĩa là Liên Xô không thể phủ quyết nghị quyết.[18]